Đánh giá GeForce GTX 1050 và 1050 Ti – Ngôi vương dòng card phổ thông | Tinh tế

Bởi tronbokienthuc
Đánh giá hiệu năng
Chart 3DMark.jpg
So sánh hiệu năng GTX 1050 và 1050 Ti dựa trên các công cụ benchmark tiêu chuẩn.

Kết quả bên dưới cho thấy hiệu năng GTX 1050 Ti 4G OC đủ để chinh phục tất cả phép thử theo kịch bản xây dựng ở độ phân giải Full HD với thiết lập đồ họa chất lượng cao chứ chưa đạt mức tối đa như mẫu GTX 960 mình từng thử nghiệm.

Chart Alien.jpg

Tuy nhiên kết quả này vẫn đủ để bạn có được trải nghiệm game tốt với những cung đường bụi bặm, gai góc và không chút màu mè của DiRT 3, Batman: Arkham Knight với sự hoang lạnh của thành phố Gotham đông đúc ngày nào sau cuộc tấn công hóa học trên diện rộng của Scarecrow hoặc thót tim khi chứng kiến Lara Croft rơi vào những tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc trong Rise of the Tomb Raider.

Tomb Raider 1080p Med settings.jpg

Cụ thể với Tomb Raider, phiên bản hỗ trợ DirectX 12 và được làm lại từ bản game cùng tên ra mắt người dùng vào năm 2013. Cấu hình thử nghiệm đạt đến 58,8 fps (khung hình/giây) ở độ phân giải Full HD, thiết lập đồ họa Medium và giảm còn 30,9 fps khi đẩy chất lượng đồ họa lên mức cao nhất.

Batman Arkham Knight 1080p Normal settings.jpg

Trong khi đó Batman: Arkham Knight, dù sử dụng engine đồ họa Unreal 3 cũ kĩ nhưng vẫn là tựa game có chất lượng đồ họa đẹp và không hề thua kém những tựa game mới khác. Cấu hình thử nghiệm đạt trung bình 66 fps và giảm còn 48 fps với chất lượng đồ họa ở mức High.

Ashes of the Singularity 1080p Standard settings.jpg

Với Ashes of the Singularity thuộc thể loại game chiến thuật vĩ mô và cũng là một trong những tựa game đầu tiên hỗ trợ đồ họa DirectX 12. MSI 1050 Ti 4G OC tỏ ra “khá đuối” khi kết quả đạt được chỉ cao hơn ngưỡng 30 fps với thiết lập đồ họa mặc định. Trong trường hợp này, việc hạn chế một vài hiệu ứng đồ họa nâng cao sẽ giúp bạn cải thiện tốc độ khung hình tốt hơn.

MSI GTX 1050 2G OC

3DMark Cloud Gate.jpg

Về MSI GTX 1050 2G OC thì đây là phiên bản được Nvidia đưa ra thay thế GTX 750 Ti, chủ yếu hướng đến thể loại game MOBA và eSport nên chúng ta sẽ có cái nhìn thoáng hơn. Tuy cùng dựa trên nhân đồ họa Pascal GP107 nhưng MSI GTX 1050 chỉ có 640 nhân CUDA nên hiệu năng hẳn nhiên không thể sánh bằng phiên bản 1050 Ti.

Word of Tank.jpg

Dù vậy trên thực tế, sản phẩm vẫn tạo ấn tượng tốt ở cả thể loại game offline khi số khung hình trung bình đạt ngưỡng 30 fps với thiết lập đồ họa tiêu chuẩn. Với các tựa game online phổ biến như Dota 2, League of Legends, Counter Strike: Global Offensive hoặc Word of Tank, mẫu card MSI cũng đáp ứng tốt với số khung hình trung bình hơn 60 fps.

Ashes of the Singularity.jpg

Đặc biệt kết quả thử nghiệm cũng thể hiện rõ giới hạn của bộ nhớ đồ họa 2GB GDDR5 so với bản 4GB. Tất nhiên nó chỉ xảy ra trong một số trường hợp cần bộ nhớ nhiều hơn so với thông thường. Chẳng hạn trong công cụ benchmark 3DMark, xét riêng điểm đồ họa của mẫu GTX 1050 thấp hơn 6,25% so với Nitro RX 460 của Sapphire và khoảng cách này tăng dần qua các phép thử nặng hơn là Fire Strike với 7,94% và 3DMark Time Spy là 17,8%.

Tương tự các game Tinhte vẫn dùng theo kịch bản ở độ phân giải Full HD, tốc độ khung hình cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa hai mức chất lượng đồ họa tiêu chuẩn và cao nhất. Tham khảo chi tiết trong biểu đồ so sánh bên dưới.

Nhiệt độ, công suất tiêu thụ


Chart Cong suat.jpg

Kiểm tra khả năng tản nhiệt card đồ họa và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark, nhiệt độ và công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường khoảng 26 độ C.

Ở chế độ không tải, cả hai card hoạt động rất êm, nhiệt độ GPU và cả mức tiêu thụ điện năng của hệ thống thử nghiệm chênh lệch không đáng kể với trị số trung bình khoảng 119W. Trong phép thử đồ họa 3DMark và game, nhiệt độ cao nhất của GTX 1050 là 63 độ C và 1050 Ti chỉ 62 độ C, tương ứng mức công suất cao nhất lần lượt là 256,7W và 259,6W.

Chart Nhiet do.jpg

Nếu so với mẫu card Sapphire Nitro RX 460 OC và Asus Strix RX 470 mình thử nghiệm gần đây thì GTX 1050 và 1050 Ti có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn khoảng 20W. Điều này cũng phần nào thể hiện ưu thế của kiến trúc đồ họa Pascal được phát triển nhằm cải thiện mức tiêu thụ điện năng trong khi vẫn đạt được hiệu suất như mong muốn.

Lời kết

GTX 1050_tinhte.vn 6.jpg

Thiết kế GeForce GTX 1050 và 1050 Ti dựa trên nhân đồ họa GP107 Pascal không chỉ nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả của kiến trúc GPU mới mà còn mang lại khả năng xử lý đồ họa tốt hơn so với GTX 750 Ti.

Bên cạnh đó, nó đã tạo được sức ép lớn để AMD giảm giá mẫu Radeon RX 460 và RX 470. Điều này cũng cho thấy sự hấp dẫn của phân khúc thị trường đồ họa phổ thông, tầm giá dưới 4 triệu đồng nhưng cũng đầy cạnh tranh quyết liệt.

GTX 1050_tinhte.vn 11.jpg

Trong khi các sản phẩm tầm trung và cao cấp thích hợp cho việc thiết kế kiến trúc, ứng dụng đồ họa 3D, biên tập video hoặc chơi các game offline hạng nặng thì những mẫu card như MSI GTX 1050 2G OC giá 2,99 triệu đồng hoặc bản 1050 Ti 4G OC giá 3,99 triệu đồng là lựa chọn phù hợp với số đông người dùng, do chi phí bỏ ra không quá lớn.

Đây là một trong các mẫu card có tỷ lệ hiệu năng/giá hấp dẫn nhất hiện nay trong phân khúc phổ thông. Hiệu năng thực tế có thể thỏa mãn nhu cầu chơi game online ở độ phân giải 1080p với đồ họa chất lượng cao mà vẫn đảm bảo số khung hình/giây thấp nhất luôn vượt mức 60 fps. Thậm chí thể loại game offline thì số khung hình trung bình đạt ngưỡng 30 fps với thiết lập đồ họa tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, việc khống chế mức tiêu thụ năng lượng dưới 75W nên card có thể lấy nguồn trực tiếp qua khe PCI Express x16 trên bo mạch chủ, phù hợp với những cấu hình tiêu thụ điện năng thấp dùng cho các phòng game, café internet hoặc máy tính chơi game cỡ nhỏ (small factor gaming pc) trong gia đình.

Ưu điểm

  • Tỷ suất hiệu năng/giá tốt
  • Mức tiêu thụ điện năng thấp
  • Không cần nguồn phụ
  • Tản nhiệt hiệu quả, quạt chạy êm cả khi tải nặng.

Khuyết điểm

  • Khả năng ép xung hạn chế
  • Không hỗ trợ cấu hình SLI.

You may also like

Để lại bình luận